Hỏi đáp về trám răng thẩm mỹ
1. Hỏi: Cho biết một răng trám thẩm mỹ có bị đổi màu sau một thời gian trám không? Khoảng bao lâu sau khi trám?
Trả lời: Màu của miếng trám thẩm mỹ hay nói khác hơn là miếng trám giống màu răng tùy thuộc không những vào sự lựa chọn màu thích hợp từ ban đầu mà còn phụ thuộc vào những sự thay đổi màu tương đối xảy ra theo thời gian: cả miếng trám lẫn cấu trúc răng đều có thể thay đổi màu theo tuổi.
Mặc dầu các vật liệu trám thẩm mỹ ngày càng được cải tiến với các chất hấp thu tia cực tím, các chất kháng oxid hóa do đó ít bị đổi màu hơn, nhưng cấu trúc răng vẫn chịu đựng một sự thay đổi màu theo thời gian do sự đậm màu của ngà theo tuổi; vì vậy, việc miếng trám có đổi màu không thích hợp sau nhiều năm là điều không tránh khỏi.
Hơn nữa cần phân biệt đổi màu thật sự (như vừa nêu trên) với đổi màu do bám các thức ăn, uống hoặc khói thuốc. Trường hợp này cần đến phòng nha khoa để làm sạch và đánh bóng lại.
2. Hỏi: Cho biết tại sau một miếng trám thẩm mỹ răng đôi khi bị ê buốt sau khi trám? cho biết cách chữa trị
Trả lời: Nếu không kể đến việc đau nhức chính do bệnh tủy mà đáng lẽ ra phải được lấy tủy trước khi trám sau cùng thị một miếng trám thẩm mỹ răng bị ê buốt sau khi trám có thể do các nguyên nhân sau:
- Do áp lực nén ép vật liệu vào xoang khi trám làm di chuyển dịch ngà trong các ống ngà tạo cảm giác đau.
- Do khi chiếu đèn để làm cứng thuốc, composite có khuynh hướng co về phía đầu đèn tạo một khoảng trống ở mặt liên kết giữa composite và ngà răng, sau đó dịch ngà lấp đầy khoảng trống. Do vậy khi ăn nhai, áp suất lực nhai làm chất lỏng di chuyển tạo cảm giác đau.
Những trường hợp này cần đến bác sĩ kiểm tra lại miếng trám và có thể phải trám lại.
3. Hỏi: Răng cửa bị chấn thương do vật cứng đụng vào trong lúc chơi thể thao, răng bị đổi màu nhưng không bị mẻ. xin cho biết nguyên nhân đổi màu
Trả lời: Khi vật cứng đập vào răng, mặc dầu răng không bị gãy, mẻ nhưng có thể bị rạn nứt và các mạch máu nuôi dưỡng răng (tủy răng) bị bể gây chảy máu và phóng thích chất hemoglobin có chứa sắt. Hemoglobin kết hợp với NH3 từ sự phân hủy và vi khuẩn, và H2S tạo ra hợp chất có màu nâu đỏ hoặc màu đen. Các chất này thấm vào răng làm răng bị đổi màu.
4. Hỏi: Các răng cửa hàm trên bị thưa khoảng 2mm, có cách nào răng khít tự nhiên mà không phải niềng răng hoặc làm răng giả?
Trả lời: Hiện nay với sự tiến bộ của ngành nha khoa thẩm mỹ, trường hợp các răng cửa bị thưa có thể làm khít lại bằng cách phủ thêm lên một phần bề mặt răng một lớp composite có màu giống như màu răng. Lớp thuốc này sẽ dính vào răng bằng một loại keo dán đặc biệt trong nha khoa. Kỹ thuật này cho kết quả thẩm mỹ tốt và ít tốn kém. Nhưng cần lưu ý nên tránh ăn, cắn đồ cứng trên các răng này để giữ cho miếng trám được bền chắc.
5. Hỏi: Hai răng cửa trước là hai răng giả kiểu bắt chốt vào gốc răng, sau một thời gian bị nhức và sưng ở chỗ nướu răng vùng răng giả, trên phần nướu thấy có một chỗ lồi nhỏ màu trắng, ấn vào lúc thấy có chất nhầy màu vàng đục chảy ra, cũng có lúc không có gì. Mua thuốc uống thì bớt đau và hết sưng, ngưng uống thuốc đau và sưng lại tái diễn. Xin hỏi: Để lâu dài như vậy có hậu quả gì không? Có cách điều trị nào mà không phải tháo bỏ răng giả cũ.
Trả lời: Theo như mô tả thì hai răng này đã không được chữa tủy răng hoặc có chữa nhưng không đạt yêu cầu nên đã dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, tạo một ổ mủ ở vùng chóp gốc răng mang răng giả. Mặc dù thuốc uống có thể ngưng sưng đau một thời gian, nhưng điều này rất không nên vì nhiều lý do: bệnh không thể dứt hẳn nếu chỉ bằng thuốc, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, và ổ mủ trong xương hàm sẽ ngày càng lớn dần và có thể gây hại tới các răng lành mạnh ở lân cận. Chưa kể việc tự mua thuốc uống (không có toa bác sĩ) sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc gây khó khăn cho điều trị sau này vì vậy nên đến phòng khám nha khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.
Về việc muốn điều trị nhưng không phá bỏ các răng giả đã làm, điều này có thể thực hiện được bằng biện pháp tiểu phẫu, tuy nhiên đó là quyết định của bác sĩ dựa vào việc khám cụ thể tình trạng răng (sự khít sát, màu sắc...), sức khỏe toàn thân cũng như sức khỏe răng miệng để có được biện pháp điều trị tốt nhất.
6. Hỏi: Tôi đi trám răng, bác sĩ thường đánh bóng răng sau khi trám. việc đánh bóng có cần thiết không?
Trả lời: Phải đánh bóng miếng trám vì các lý do sau:
- Làm giảm độ gồ ghề của nơi tiếp xúc giữa răng và miếng trám, cũng như giúp cho dễ vệ sinh miếng trám hơn.
- Làm giảm khả năng bị sâu răng tái phát.
- Ngăn ngừa sự xỉn màu và làm tăng độ bóng của miếng trám giúp có cảm giác dễ chịu hơn.
Như vậy tuy có mất thêm thời gian nưng việc đánh bóng miếng trám là cần thiết.
Tùy theo vật liệu trám mà việc đánh bóng được thực hiện ngay (đối với miếng trám composite) hay phải sau 24 - 48 giờ (đối với miếng trám amalgam).
7. Hỏi: Tôi có rất nhiều miếng trám Amalgam trong miệng, xin cho biết có cần phải thay bằng các vật liệu khác không? Trám răng bằng Amalgam có an toàn không?
Trả lời: Amalgam là chất trám bao gồm thủy ngân với các thành phần mạ kim loại khác như bạc, đồng, thiếc...Amalgam thường được sử dụng như một vật liệu để trám các răng sau. Amalgam đã được dùng thành công hơn 150 năm nay và chất lượng của nó cũng tăng dần theo thời gian.
Nếu được sử dụng đúng kỹ thuật và chỉ định thì miếng trám Amalgam rất bền và rẻ hơn so với một số vật liệu trám răng khác. Mối nghi ngờ về sự an toàn của miếng trám Amalgam là do có sự hiện diện cảu thủy ngân. Vậy miếng trám Amalgam có an toàn đối với sức khỏe không?
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) thì cho đến nay Amalgam vẫn được xem là một vật liệu trám răng an toàn. Hiện thời, chưa có một nghiên cứu kiểm tra nào cho thấy amalgam gây ra những hiệu ứng bất lợi cho sức khỏe, cũng chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh sức khỏe tốt hơn khi lấy bỏ tất cả những miếng trám amalgam trong miệng.
Như vậy, nếu không có yêu cầu đặc biệt về thẩm mỹ và nếu các miếng trám amalgam vẫn còn tốt thì không cần phải thay bằng các vật liệu khác.